Cấu trúc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là gì?
1. Định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp
Có rất nhiều khái niệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu chung, văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là “tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.
Có thể nói nôm na: Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp.
2. Cấu trúc văn hóa doanh nghiệp
Để hiểu sâu sắc hơn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta hãy tìm hiểu những bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa đó. Cấu trúc văn hóa doanh nghiệp được chia thành 3 cấp độ cụ thể:
Cấp độ thứ nhất: Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp
Cấp độ thứ nhất trong cấu trúc văn hóa doanh nghiệp là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức lạ. Cấp độ văn hóa này dễ thay đổi và chịu ảnh hưởng từ tính chất công việc kinh doanh, quan điểm nhà lãnh đạo,…
Một số biểu hiện của cấp độ thứ nhất trong văn hóa doanh nghiệp như:
- Cơ cấu tổ chức phòng ban của doanh nghiệp.
- Các văn bản quy định quy tắc hoạt động doanh nghiệp.
- Kiến trúc công ty, phong cách bài trí và các biểu tượng, logo và khẩu hiệu,…
- Công nghệ sản phẩm, hình thức và mẫu mã sản phẩm.
- Cách ăn mặc và ứng xử, thái độ hành vi và cách biểu lộ cảm xúc…
Cấp độ thứ hai: Các giá trị được công khai (Chiến lược, mục tiêu, triết lý doanh nghiệp)
Những giá trị được công khai cũng là yếu tố hữu hình vì có thể được nhận biết và diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác. Mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều xây dựng các quy định, chiến lược, triết lí và mục tiêu riêng để làm kim chỉ nam cho toàn bộ nhân viên. Đây là cách để định hướng cho nhân viên phong cách làm việc trong môi trường doanh nghiệp, rèn luyện ứng xử một số tình huống thường gặp.
Cấp độ thứ ba: Các quan niệm chung (niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và tình cảm chung)
Dù là văn hóa dân tộc hay văn hóa doanh nghiệp thì đều có những quan niệm chung hình thành và ăn sâu vào tâm lý các thành viên, tồn tại trong thời gian dài cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là yêu cầu tối thiểu để nội bộ doanh nghiệp đi cùng nhau và tồn tại – bất kì một hành vi ngược lại nào quan niệm chung cũng sẽ bị chối bỏ và đào thải. Ba cấp độ trên hòa quyện và ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra cấu trúc doanh nghiệp đặc trưng của mỗi công ty.
Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp trường tồn vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp giúp ta: giảm xung đột; điều phối và kiểm soát; tạo động lực làm việc; tạo lợi thế cạnh tranh; v.v..
1. Giảm xung đột
Văn hóa doanh nghiệp là keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi ta phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hóa chính là yếu tố giúp mọi người hòa nhập và thống nhất.
2. Điều phối và kiểm soát
Văn hóa doanh nghiệp điều phối và kiểm soát hành vi cá nhân bằng các câu chuyện, truyền thuyết; các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc… Khi phải ra một quyết định phức tạp, văn hóa doanh nghiệp giúp ta thu hẹp phạm vi các lựa chọn phải xem xét.
3. Tạo động lực làm việc
Văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. Văn hóa doanh nghiệp còn tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhân viên và một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Văn hóa doanh nghiệp phù hợp giúp nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa, hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp. Điều này càng có ý nghĩa khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang phổ biến. Lương và thu nhập chỉ là một phần của động lực làm việc. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hòa đồng, thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng hơn.
4. Lợi thế cạnh tranh
Tổng hợp các yếu tố gắn kết, điều phối, kiểm soát, tạo động lực… làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt trên thị trường. Hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.
Vai trò của xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Theo nghiên cứu của những nhà xã hội học Mỹ, giá trị công ty có thể tăng lên 200% hoặc hiệu quả hơn nữa nếu tuân thủ và thực hiện văn hóa doanh nghiệp chính đáng.
1. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra sự thành công cho tập thể, tạo động lực làm việc cho tất cả các thành viên
Quan niệm mới về lãnh đạo hiện nay là, “team work is dream work”, nghĩa là sự thành công công ty không chỉ đo bằng sự thành công cá nhân ai đó mà là sự chung sức của một tập thể.
Văn hóa nội bộ thiết lập mục tiêu và hướng mọi người đạt được mục tiêu đó. Tất cả họ đều đồng lòng và chung sức để trở thành tập thể chiến thắng khi đó sẽ có động lực làm việc hết mình. Đây là chìa khóa của sự gắn kết các thành viên đồng thời tạo ra thành công cho công ty.
2. Văn hóa doanh nghiệp giúp các thành viên hiểu được giá trị bản thân đối với công ty
Nhân viên làm việc trong công ty có môi trường văn hóa tốt luôn hiểu rằng bản thân họ là thành phần không thể thiếu của công ty, giống như mắt xích trong một chuỗi dây chuyền hoạt động. Họ được quyền chia sẻ ý tưởng, hưởng quyền lợi chính đáng, được ghi nhận thành công và có phần thưởng tương xứng cho tâm huyết bỏ ra.
3. Văn hóa doanh nghiệp xây dựng tinh thần đoàn kết, chung tay vượt qua những khó khăn và thử thách
Văn hóa doanh nghiệp chính là văn hóa sự gắn kết và sự hy sinh tự nguyện của tất cả các thành viên. Vai trò văn hóa doanh nghiệp càng được khẳng định hơn bao giờ hết khi công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.
Sự đồng lòng và chung sức của cả tập thể chính là sức mạnh giúp công ty chống đỡ và vượt qua giông bão. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này chính là câu chuyện của hãng ô-tô Ford.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, khi các đối thủ đã phải phá sản thì Ford vẫn trụ vững qua giai đoạn khó khăn nhờ đội ngũ nhân viên hết lòng trung thành. Chính những nhân viên này không những đã sẵn sàng làm việc không lương và thêm giờ không đòi hỏi, mà còn động viên các lãnh đạo cố gắng cùng vượt qua khoản nợ. Có thể thấy, sự gắn kết nội bộ chính là chìa khóa thành công cho Ford trong thời điểm này.
Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Với tầm quan trọng như vậy, làm thế nào để xây dựng văn hóa nội bộ khi bạn vốn không quen với khái niệm này? Base gợi ý cho bạn 3 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Đặt nền móng và xác định giá trị cốt lõi
Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp.
Một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp:
- Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
- Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào?
- Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
- Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,…)
Bước 2: Thực hành văn hóa
Sau khi xác định được giá trị cốt lõi của văn hóa công ty, nhà lãnh đạo sẽ đưa các giá trị văn hóa đi vào thực tiễn bằng hành động cụ thể. Bạn có thể tham khảo 3 hành động cơ bản như sau:
- Phổ biến kiến thức chung: Ban hành quy định, quy chế chung và tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty. Mục tiêu là giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ và ý thức được lợi ích của văn hóa nội bộ đến sự phát triển của bản thân và công ty.
- Triển khai hoạt động văn hóa công ty cụ thể: Kiến trúc và nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, team building, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty,…
- Ổn định và phát triển văn hóa: Nhà lãnh đạo phải duy trì và cập nhật những yếu tố mới để phát triển thêm giá trị hữu ích cho văn hóa doanh nghiệp để nó không bị lạc hậu khi môi trường xung quanh thay đổi.
Bước 3: Đánh giá và điều chỉnh văn hóa công ty thường xuyên
Sự phản hồi của nhân viên là cơ sở quan trọng để đánh giá văn hóa công ty có phù hợp với hoạt động hàng ngày và giá trị nhân viên mong muốn. Bởi vậy, người quản lý nhân sự cần thực hiện khảo sát hàng năm và các buổi trò chuyện cùng nhân viên để đánh giá văn hóa công ty.
Văn hóa công ty luôn chịu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài như: Văn hóa dân tộc, công nghệ, sự thay đổi nguồn lực đa quốc gia, chính sách vĩ mô nhà nước,…nên cần được điều chỉnh kịp thời và thích hợp trên cơ sở giá trị cốt lõi để gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các tìm kiếm liên quan đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- tiểu luận xây dựng văn hóa doanh nghiệ
- rào cản trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- văn hóa doanh nghiệp của công ty
- phát triển văn hóa doanh nghiệp
- ví dụ về văn hóa doanh nghiệp
- các cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- xây dựng văn hóa tổ chức
- Điều hướng trang